Văn hóa - Xã hội Văn hóa - Xã hội

Chiến thắng lịch sử 30-4 qua hồi ức của hai người lính Cụ Hồ
Ngày đăng 26/04/2023 | 14:34  | Lượt xem: 24

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Cách đây 40 năm, 11 giờ 30 phút trưa ngày 30-4-1975, lịch sử dân tộc đã in một mốc son chói lọi khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. 40 năm đã đi qua với bao đổi thay trên khắp mọi miền đất nước, song khí thế của ngày toàn thắng vẫn mãi khắc ghi trong tâm trí của những chiến sĩ cách mạng từng trực tiếp tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Thiếu tướng Nguyễn Tức (bên trái) cùng đồng đội ôn lại năm tháng hào hùng.

Giản dị, chân thành và cởi mở là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Thế Cương - người lính trực tiếp có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời khắc thiêng liêng 30-4-1975. Hồi ức về những năm tháng hào hùng trong quân ngũ, mà đặc biệt là chứng kiến giờ phút huy hoàng của dân tộc khi lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập luôn trở về nguyên vẹn trong ông mỗi dịp kỷ niệm ngày toàn thắng.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giầu truyền thống cách mạng Hiệp Hòa (Bắc Giang), năm 1963, khi vừa bước vào lớp 10, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Thế Cương nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình nguyện gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, ông được biên chế về Trung đoàn xe tăng 202 - đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến năm 1966, ông được cử theo học lớp chỉ huy đầu tiên của Binh chủng Tăng thiết giáp rồi được giữ lại làm giáo viên.

Khi chiến dịch Mậu Thân năm 1968 chuẩn bị diễn ra, do yêu cầu của cuộc chiến, ông và những giáo viên giàu kinh nghiệm nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Kết thúc chiến dịch, ông được công nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Năm 1973, ông về Lữ đoàn xe tăng 203 và lần lượt giữ cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn 1 rồi Tiểu đoàn 2. Đến tháng 2-1975, đơn vị ông nhận nhiệm vụ hành quân từ Quảng Trị vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Với quyết tâm “đánh cho ngụy nhào”, ông cùng đồng đội vượt qua mưa bom, bão đạn, tiến dần đến cửa ngõ Sài Gòn.

Sau khi chỉ huy Đại đội 4 (Tiểu đoàn 2) phối hợp với các đơn vị bạn giải phóng Bà Rịa, ông được lệnh tăng cường chỉ huy Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2) phối hợp cùng Sư đoàn 304 tiến đánh căn cứ Nước Trong - một trong những căn cứ quan trọng của địch. Sau đó, Lữ đoàn xe tăng 203 trong đội hình Binh đoàn Hương Giang làm nhiệm vụ đánh thọc sâu vào sào huyệt của chính quyền ngụy. Chiều ngày 29-4-1975, đơn vị ông nằm trong đội hình 400 xe của Binh đoàn Hương Giang hành quân vào nội đô và chiến đấu một trận ác liệt trên cầu sài Gòn vào sáng 30-4 sau đó tiến thẳng về Dinh Độc Lập.

Ông nhớ lại: “Khi đến Dinh Độc Lập, xe tăng 843 dẫn đầu Đại đội 4 (Lữ đoàn xe tăng 203) do Trung úy Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy tiến vào, húc cánh cổng Dinh Độc Lập nhưng do vướng vật cản nên dừng lại; xe tăng 390 do Trung úy Chính trị viên Đại đội 4 Vũ Đăng Toàn chỉ huy tiến lên húc đổ cánh cổng chính, tiến trước vào Dinh Độc Lập. Tôi ngồi trên chiếc xe Jeep của biệt động tiến vào ngay sau đó. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4, Bùi Quang Thận cùng Tiểu đội phó Trần Đức Tình lên nóc Dinh Độc Lập hạ cờ ba sọc và trương cờ chiến thắng. Lúc này, không ai nói với ai mà đồng loạt nổ súng lên không trung rồi tất cả vỡ òa trong niềm vui chiến thắng”.

Còn đối với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tức, quê ở thôn Phú Mại, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), nguyên Trưởng khoa Trinh sát quân sự nước ngoài (Học viện Quốc phòng) thì chiến thắng 30-4-1975 lại ghi dấu ấn của nghệ thuật quân sự Việt Nam, dấu ấn của các lực lượng tham gia chiến đấu, trong đó có chiến công của những chiến sĩ quân báo.

Năm nay đã ngoài 80 nhưng ở ông vẫn toát lên vẻ quắc thước và sự điềm tĩnh của một người lính trinh sát. Cuộc đời binh nghiệp của ông được bắt đầu từ những ngày tham gia du kích làng rồi trở thành người lính Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua nhiều vị trí công tác, tham gia nhiều chiến dịch lớn song mỗi khi nhắc lại chiến dịch Hồ Chí Minh thì vị tướng già này lại không khỏi bồi hồi nhớ về những giây phút vinh quang khi cùng đồng đội lập nên những chiến công lớn rồi xúc động nhớ về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Khi chiến dịch Tây Nguyên kết thúc, trên cương vị Trưởng phòng Quân báo Bộ Tham mưu Quân đoàn 3, ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng trinh sát tham gia trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn, mục tiêu chính là căn cứ Sư đoàn 25 Ngụy ở Đồng Dù - Củ Chi, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Cuối tháng 3-1975, ông và một số anh em trinh sát luồn sâu vào khu căn cứ Đồng Dù của ngụy để nắm tình hình lực lượng địch và tổ chức phòng thủ các mục tiêu, tạo điều kiện cho đơn vị đánh chiếm.

Đêm 27-4-1975, ông cùng đồng đội vượt sông Sài Gòn, lập sở chỉ huy Quân đoàn để điều hành các đơn vị tham gia trận đánh vào Sài Gòn. Ngày 28-4-1975, các đơn vị trong Quân đoàn đồng loạt nổ súng đánh chiếm các địa điểm mà lực lượng trinh sát đã phát hiện. Trong trận đánh này, Quân đoàn đánh chiến sở chỉ huy lực lượng không quân ngụy và đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn lính dù ở trại Đa-vít. Khi tổng thống Dương Văn Minh thông báo đầu hàng vô điều kiện, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đơn vị ông đã tiến sát sân bay Tân Sơn Nhất. “Đây thực sự là giây phút xúc động nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi bởi sau bao ngày đằng đẵng chiến đấu và hy sinh, mục tiêu chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước đã trở thành hiện thực. Mỗi khi nhớ về giờ phút thiêng liêng ấy, trong tôi lại bồi hồi nhớ về những người đồng đội đã một thời vào sinh ra tử”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tức nhớ lại.

40 năm đã trôi qua, nhưng những giây phút thiêng liêng của ngày 30-4 lịch sử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính từng dành cả tuổi xuân của mình cho nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đó không chỉ là sự hồi tưởng về chiến thắng vẻ vang của ý trí, sự quật cường của dân tộc mà còn là sự tri ân với những người đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Ông Nguyễn Thế Cương kể lại giây phút có mặt tại Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Nguồn: Báo Nhân Dân