Thông tin đấu thầu Thông tin đấu thầu

“Đánh thức” tiềm năng, “khơi dòng” sáng tạo trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô
Ngày đăng 16/11/2023 | 01:16  | Lượt xem: 66

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Bài tuyên truyền hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, Người khẳng định: Di sản văn hóa dân tộc là vốn quý, là bệ đỡ cho nền văn hóa dân tộc.

Sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chưa đầy 3 tháng sau, ngày 23/11/1945, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, quy định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện là bảo tồn cổ vật, di tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh 65 tuy ngắn gọn nhưng súc tích, phản ánh những tư tưởng, quan điểm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, khẳng định việc bảo tồn cổ vật, di tích  “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Cho đến nay, Sắc lệnh vẫn giữ nguyên tính lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của quốc gia, dân tộc.

Với ý nghĩa đó, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, mục đích là phát huy truyền thống, ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để khơi gợi, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân.

Đặc biệt, kế thừa và tiếp nối quan điểm về di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Vì vậy, để xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển các giá trị di sản văn hoá của dân tộc chúng ta phải phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước.

Hà Nội có quỹ di sản văn hóa đồ sộ, gồm 5.922 di tích lịch sử - văn hóa (trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1160 di tích quốc gia) và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Toàn thành phố hiện có 5 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh; 26 di sản trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những năm qua, Hà Nội được đánh giá có nhiều kinh nghiệm, dẫn đầu cả nước trong thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa cho hoạt động này của Thủ đô cũng đạt nhiều kết quả tốt.

Công tác bản tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ luôn được thành phố Hà Nội coi trọng, cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết, chương trình, như:  Nghị quyết số 09 -NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”…

Với sự chung tay của các cấp chính quyền, các tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp, nhiều di sản văn hóa không chỉ được bảo vệ, bảo tồn mà còn phát huy giá trị; trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh Thủ đô với bạn bè quốc tế.

Năm 2023, hưởng ứng ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11) Thành phố đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm “đánh thức” tiềm năng, “khơi dòng” sáng tạo, “thổi” vào các di tích lịch sử - văn hóa những giá trị mới. Đây cũng là dịp mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong thực thi pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Hãy chung tay đóng góp trí tuệ và công sức, cùng với các cấp, các ngành để Di sản văn hóa không chỉ được bảo vệ, bảo tồn mà còn phát huy giá trị, tiềm năng kinh tế góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

                                                                             Tháng 11 năm 2023

                                                                                      Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội