Gương điển hình người tốt, việc tốt Gương điển hình người tốt, việc tốt

Tấm gương sáng về nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất
Publish date 03/01/2020 | 11:00  | View Count: 161

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

 

 

          Nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất là một nét đẹp của cuộc sống. Trong xã hội hiện nay, khi đâu đó tham lam và vụ lợi đang trỗi dậy, lòng tốt bị "đánh cắp", thì việc trả lại tài sản cho người đánh mất càng trở nên đáng quý trọng. Ở Chi hội phụ nữ số 8 thuộc tổ dân phố (TDP) số 8, phường Đức Thắng có một tấm gương sáng nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất đáng quý trọng như thế.

          Sinh năm 1957, chị Nguyễn Thị Phương sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. Sau đó chị xin đi công nhân và được công ty phân đất làm nhà tại Hà Nội. Năm 1993, chị lập gia đình khi đó đã ngoài 35 tuổi. Vốn tưởng cuộc sống sẽ được êm đẹp trôi qua nhưng gia đình chị lại không hạnh phúc. Anh chị chia tay khi con trai học lớp 4. Năm 2003, chị Phương về hưu theo chế độ mất sức. Với đồng lương hưu ít ỏi hơn 2 triệu đồng/1 tháng, một mình chị Phương vất vả nuôi con ăn học. Chị phải bươn chải làm thêm nhiều công việc như: Đổ bê tông, trông trẻ và “gặp việc gì làm việc nấy”  để có thêm thu nhập cho hai mẹ con.

         Năm 2017, chị Phương xin đi làm thêm tại Học viện Tài chính. Công việc của chị là dọn vệ sinh môi trường và cũng vì thế trong thời gian làm việc, không biết bao lần chị nhặt được tài sản của các cháu sinh viên đánh rơi hoặc bỏ quên ở lớp. Chị nhớ nhất là vào khoảng tháng 3 năm 2017, khoảng 11h trưa, khi các cháu sinh viên tan học, chị vào quét dọn vệ sinh lớp học thì nhìn thấy một ví tiền. Khi nhìn thấy ví tiền chị vội vàng nhờ các bạn sinh viên vẫn còn trong lớp ở lại để cùng chị kiểm số tiền trong ví để làm biên bản bàn giao cho nhà trường và cho người bị mất (Trong ví có 7 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ khác). May mắn được nhận lại số tài sản mình đã đánh rơi, cháu Hùng không khỏi xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của bác Phương, Hùng chia sẻ: “Số tiền ấy cháu được bố mẹ cho để nộp tiền học phí. Hôm để quên cái ví ở lớp, cháu hoàn toàn không hay biết gì. Khi được bác Phương trả lại, cháu rất xúc động. Nếu không có bác Phương với tấm lòng từ tâm nhân ái, cháu không biết làm thế nào”.

         Nói về việc làm của mình, chị Phương chia sẻ: “Tôi dù nghèo khó, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng tuyệt đối không bao giờ tham lam tiền bạc hay tài sản của người khác. Tôi làm ở đây, các cháu sinh viên cũng như con cháu mình. Nghĩ thương các cháu xa nhà, bố mẹ cho tiền đóng học mà mất thì khổ thân. Hàng ngày tôi cũng đi lao động nên tôi biết số tài sản đó là mồ hôi, là công sức của bố mẹ các cháu gian nan, vất vả mới có được. Vì vậy, khi nhặt được của rơi, tôi nghĩ ngay là phải tìm cách trả lại cho người đã đánh mất”.

          Và từ đó, rất nhiều lần trong khi làm việc, chị Phương lại nhặt được “của rơi” và trả lại người đánh mất: Năm 2017, chị nhiều lần nhặt được ví và điện thoại giá trị, trong ví nhiều thì có 5.600.000đ; 3.000.000đ và có lần ít nhất cũng vài trăm nghìn đồng cùng giấy tờ quan trọng. Điện thoại chị nhặt được rất nhiều cái giá trị 18.000.000đ, 9.000.000đ và cái ít nhất cũng từ 2.000.000đ đến 3.000.000 và còn nhiều thứ khác như thẻ sinh viên, thẻ bảo hiểm y tế … Năm 2018 chị cũng đã nhặt được rất nhiều lần ví và điện thoại của các cháu sinh viên đi học để quên trên giảng đường có giá trị lớn với số tiền là 6.750.000đ; 570.000đ; 400.000đ; 160.000đ; 50.000đ và nhiều điện thoại có giá trị như ipad Air 2; điện thoại oppo A71; điện thoại Sam Sung … Sau mỗi lần nhặt được như thế, chị Phương lại đến báo cáo nhà trường để thông tin kịp thời cho người bị mất đến nhận. Việc làm của chị đã nhận được sự ủng hộ của nhà trường, đặc biệt là sinh viên trong trường rất yêu mến chị. Với nghĩa cử đầy cao đẹp của mình, tháng 02 năm 2018 chị Phương được Học viện Tài chính tặng Giấy khen và phần thưởng về gương người tốt việc tốt năm 2017.

          Là hội viên của Chi hội phụ nữ số 8, phường Đức Thắng, tuy gia cảnh khó khăn nhưng chị vẫn luôn tích cực tham gia các phong trào do Hội phụ nữ và địa phương phát động như: Tham gia ủng hộ “Hũ gạo tình thương”, “Quỹ nhân đạo”, “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ vì Trường Sa thân yêu” … Đối với ngõ phố, chị chưa một lần để hàng xóm phiền hà vì những hành động không tốt; luôn giữ mối quan hệ hòa đồng với mọi người; gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và nơi cư trú.

          Tấm gương sáng của chị Nguyễn Thị Phương xứng đáng để mọi người học tập, noi theo. Tôi chợt nghĩ, trong xã hội ngày nay, khi có một số người đang bị vật chất lôi cuốn, giảm đi giá trị đạo đức con người thì cũng có rất nhiều người như chị Phương với những hành động, nghĩa cử cao đẹp đã và đang góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.

Tạ Thị Nhạn - Tổ dân phố số 8