An ninh quốc phòng An ninh quốc phòng

Một số giải pháp tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Publish date 24/12/2023 | 12:09  | View Count: 46

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đưa quan điểm về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy vào Văn kiện Đại hội và là yêu cầu mang tính cấp thiết vừa là quan điểm chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quan điểm trên cần phải được quán triệt trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của tất cả các lực lượng trong công cuộc xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch giữ vai trò quan trọng, vừa góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vừa đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch, từ đó ổn định và quy tụ “lòng dân”. Do vậy cần có giải pháp và đổi mới mạnh mẽ công tác này để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đẩy mạnh tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Nội dung và phương thức chống phá rất đa dạng, từ những vấn đề căn cốt của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, an ninh, an toàn trong cuộc sống hàng ngày của người dân; tập trung vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của Đảng, Nhà nước, những vụ việc phức tạp, nhạy cảm. Nếu cán bộ, đảng viên, nhân dân không có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận thức không đúng, không đầy đủ và không có những kỹ năng cần thiết để nhận diện những luận điệu ấy thì sẽ bị tác động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, dẫn tới hoang mang, dao động, không phân biệt được đúng - sai; từ chỗ tò mò, nghiên cứu tham khảo, phản biện trên tinh thần khoa học đến đồng tình, tin theo, nói theo, viết theo các quan điểm đó, đồng nghĩa với việc phê phán, phủ nhận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những vấn đề nêu trên cho thấy công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần phải được tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức, hình thức, tổ chức, phối hợp lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Để đạt hiệu quả cao cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phải dựa vào dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải hướng tới đông đảo quần chúng nhân dân cần tập trung vào: Nội dung tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần được đổi mới, hướng đến đông đảo quần chúng nhân dân, với các sản phẩm tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền cụ thể; ngôn ngữ dung dị, dễ hiểu, để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân làm” và đưa việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đến cơ sở xã, phường.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần đặc biệt chú trọng đến thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước. Cần đa dạng hóa nội dung giảng dạy lý luận chính trị trong các cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng, đổi mới nội dung, phương thức, hình thức tuyên truyền đáp ứng “thị hiếu” của thanh niên, sinh viên. Xây dựng và phát huy mô hình các “Câu lạc bộ lý luận trẻ” làm nòng cốt cho phong trào. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng, lòng yêu nước, sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, dự báo, chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận, bảo đảm thống nhất tư tưởng, đồng thuận trong xã hội. Phải có cái nhìn bao quát sự vận động đối với những quan điểm sai trái, thù địch, biết được nguồn gốc, sự xuất hiện, quá trình thay đổi của chúng, những biến tướng của chúng; nhận định được xu hướng vận động của chúng. Trên cơ sở đó đề xuất các phương án dự phòng, các phương án tối ưu đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa, đối ngoại, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng pháp luật về đất đai; vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế tập thể, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các sự kiện chính trị, xã hội, đối ngoại, lịch sử nổi bật phải được thực hiện trong từng thời điểm cụ thể. Nhận diện và chủ động phản bác các luận điệu sai trái, thù địch lợi dụng một số vụ việc sai phạm của cán bộ, đảng viên để tấn công vào công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng; chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, chủ quyền biển đảo; vấn đề an sinh xã hội; đấu tranh với các luận điệu đòi “xét lại lịch sử”, phủ nhận vai trò của lực lượng vũ trang trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước hết là tuyên truyền, giới thiệu đầy đủ, đúng đắn đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khẳng định các thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đã giành được trên các chặng đường cách mạng, lấy đó làm luận cứ vững chắc để vạch rõ tính phản khoa học, phản cách mạng, không vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân trong các luận điệu sai trái, thù địch. Tăng cường tổng kết thực tiễn, không ngừng bổ sung và phát triển hệ thống lý luận của Đảng, cung cấp căn cứ vững chắc cho việc hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Đồng thời với “xây”, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả, nghĩa là phải có thế trận thống nhất, chặt chẽ, nhiều tầng lớp, nhiều mảng miếng khác nhau để lấn át thông tin tiêu cực, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” nhưng không “đẩy nóng” vấn đề. Trong từng luận cứ, luận điểm, bài viết, phải nâng cao tính chiến đấu, tính trực diện, đi đến tận gốc của vấn đề, với lập luận sắc bén, “chắc tay”, với góc nhìn khoa học, khách quan, thuyết phục, nhận diện và vạch trần sự ngụy biện, tính phản cách mạng, phản khoa học trong các luận điệu sai trái, thù địch.

Thứ tư, sử dụng tổng hợp các biện pháp, các lực lượng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả, trên cơ sở phát huy năng lực, thế mạnh của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo “đúng vai”, “thuộc bài”. Tính toán xây dựng các chiến dịch truyền thông chủ động, với sự tham gia của nhiều lực lượng để truyền thông chính sách, lan tỏa thông tin tích cực về những vấn đề dư luận quan tâm để thu hẹp dư địa mà các thế lực thù địch, đối tượng chống đối có thể lợi dụng để chống phá. Giải quyết thỏa đáng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, khôi phục lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Thứ năm chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Theo đó, phải thay đổi tư duy từ cách tiếp cận  là chặn lọc, pha loãng thông tin sang cách tiếp cận  tạo lập môi trường mạng lành mạnh, an toàn, với khung khổ pháp lý rõ ràng, chặt chẽ và ý thức ứng xử của cư dân mạng được nâng cao, cán bộ, đảng viên và nhân dân có những kiến thức, kỹ năng và “bộ lọc” thông tin cần thiết để ứng xử, tương tác trên không gian mạng một cách chủ động, an toàn, nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, “tin rác”, “tin xuyên tạc” trên không gian mạng, có ý thức tham khảo các kênh thông tin chính thức khi tiếp nhận thông tin về một vấn đề mới. Các cơ quan chức năng cần tạo lập những kênh tin tức tin cậy để chủ động và sớm cung cấp thông tin, gia tăng tương tác thông tin với cán bộ, đảng viên, nhân dân (hiện nay, ngoài một số ít trang của các cơ quan có sự theo dõi, lan tỏa rộng như facebook “Thông tin Chính phủ”, vai trò cung cấp, định hướng thông tin chủ yếu vẫn từ các cá nhân có nhiều người theo dõi-KOLs). Xây dựng các kênh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Google (Youtube), Tik Tok, Instagram và chú trọng các sản phẩm đa phương tiện, các video ngắn dành cho giới trẻ. Đồng thời, chú ý đến các kênh bình luận chuyên sâu, với góc nhìn toàn diện về những sự kiện chính trị - xã hội nổi bật được cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm. Gia tăng sức lan tỏa của các công cụ, phương tiện, để không chỉ “ta nói ta nghe” mà phải là “ta nói dân nghe”. Cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng. Nghiên cứu hoàn thiện quy định quản lý các nhóm, diễn đàn trên mạng theo hướng nâng cao trách nhiệm của quản trị viên (admin) trong duyệt bài, duyệt bình luận. Tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng không gian mạng để phát tán tin giả, thông tin xấu, độc, sai trái, phản động, các khuynh hướng lợi dụng không gian mạng để tập hợp lực lượng, tạo dư luận gây sức ép với Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần đánh giá dòng thông tin chủ lưu trên không gian mạng trong từng thời điểm cụ thể về những vấn đề “nóng”, “nổi” được cộng đồng mạng quan tâm, dự đoán mức độ lan tỏa của thông tin để có giải pháp kỹ thuật đẩy mạnh lan tỏa dòng thông tin tích cực và rà quét, lọc bỏ thông tin xấu, độc, tin rác. Thay đổi tiêu chí đánh giá thông tin “tích cực”, “tiêu cực” vốn dựa trên cảm xúc sang đánh giá sự tác động của thông tin tới người tiếp nhận và nhà nước.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử quận Bắc Từ Liêm